QUY TRÌNH TRỒNG NẤM RƠM NGOÀI TRỜI
Phần 1: HƯỚNG DẪN XỬ LÝ RƠM ĐẠT CHUẨN
Một số bạn mới làm chưa rõ rơm xử lý như thế nào là đạt chuẩn, có thể tham khảo qua 2 cách thông dụng này nhé.
Nên chọn rơm không bị mốc hoặc dính nước mưa lâu ngày.
C1: Ủ rơm thành đống (12-14 ngày): khoảng 300 -500 kí rơm
Rơm được chất theo lớp, cứ mỗi lớp rơm cao 20-30cm thì rải vôi và tưới nước dậm dẽ cho rơm thấm đều và tiếp tục chất các lớp tiếp theo cho đến khi đống rơm có chiều cao 1,3-1,5m. Sau đó lấy nylon tủ kín xung quanh để giữ ẩm và giữ nhiệt. Chân đống ủ có kê kệ (10 – 15 cm), giữa có cột thông khí giúp nhiệt trao đổi đều hơn, tránh lên men yếm khí.
Sau 4-5 ngày nhiệt độ trong đống ủ lên cao khoảng 60- 70oC thì tiến hành đảo rơm (tránh để lâu nhiệt cao làm khô rơm dễ sinh mốc), đảo trên xuống dưới, ngoài vào trong và dưới lên trên, có kê kệ và cột thông khí, quấn bạc xung quanh tương tự lúc ủ. Bổ sung thêm Urê 2-3%, bổ sung nước tùy độ ẩm rơm lúc đảo. Nhiệt độ sẽ làm chết các mầm nấm dại và phân hủy một phần chất hữu cơ trong rơm, giúp cho nấm rơm dễ hấp thu chất dinh dưỡng, phát triển thuận lợi sau này.
Và đảo lần 2 sau 4-5 ngày tiếp theo, bổ sung nước tùy độ ẩm rơm lúc đảo, rơm sẽ đều hơn. Đến ngày 14 kiểm tra rơm
C2: Xử lý nước vôi trước khi ủ(9-10 ngày): khoảng 100 – gần 300 kí rơm
Rơm được nhúng vào nước vôi, pha với tỉ lệ 3-5 kg vôi cho 1000 lít nước. Ngâm rơm vừa đủ ngập, ngâm 20-30 phút. Mục đích diệt nấm tạp, tẩy rửa chất phèn, chất mặn trong rơm rạ. Sau đó vớt ra, để ráo nước, chất thành đống, dậm cho dẽ, lấy nylon tủ quanh. Đóng nhỏ nên kê kệ thấp, có thể không cần cột thông khí dễ mất nhiệt.
Sau khi ủ 3-4 ngày, đảo rơm một lần. Bổ sung Urê 2-3 %. Bổ sung nước tùy độ ẩm rơm lúc đảo
Rơm đã đủ điều kiện để cấy meo: Rơm mềm, khi vắt vài cọng thấy có nước nhỏ vài giọt là tốt nhất ẩm (65 -75 %), màu vàng nâu sẫm.
Có mùi thơm đặc trưng của rơm khi lên men.
Phần 2: HƯỚNG DẪN XẾP MÔ, RÃI MEO VÀ Ủ TƠ NẤM RƠM
Các bạn tham khảo qua các cách đóng mô và ủ tơ tùy vào điều kiện khu vực trồng nhé.
Trước hết cần chọn meo giống tốt, đúng tuổi, không nhiễm tạp khuẩn và nấm mốc. Sợi tơ nấm màu trắng trong, mở nắp bịch có mùi tương tự như nấm rơm. Tơ nấm phát triển đều khắp mặt trong bịch. Một số meo khi tơ trưởng thành sẽ kết tụ lại thành những hạt màu đỏ nâu vẫn cho năng suất tốt.
Cách 1: Đóng mô theo khuôn
Cần xử lý khu vực trồng sạch sẽ, có thể trồng trên nền đất hoặc xi măng. Kích thước khuôn tùy vào thời tiết, địa hình khu vực trồng.
Cho một lớp rơm đã ủ vào khuôn, nén dẽ dặt dày khoảng 10cm. Rãi meo giống dọc hai bên luống, cách mép luống 3-5cm. Tiếp tục cho lớp rơm thứ 2 và rãi meo tương tự, sau đó nén tiếp lớp rơm dày khoảng 10cm lên trên mặt mô, đè dẽ dặt, vuốt mặt ngoài cho mô láng, gọn. Tùy vào kinh nghiệm mỗi người có thể rãi 1 hoặc 2 lớp meo. Lớp rơm trên cùng không rãi meo, chỉ rãi lớp áo rơm khô dày 3-5 cm.
Giai đoạn ủ tơ: tùy vào thời tiết mà tưới điều chỉnh nhiệt ẩm cho phù hợp (nhiệt mô duy trì 35 – 38, ẩm mô 65 – 70). Mùa nắng tủ rơm áo mỏng để thoát nhiệt. Mùa mưa, mùa lạnh tủ rơm dầy để giữ nhiệt và chống thấm nước. Sau 6-8 ngày, cần tiến hành dỡ áo mô, xốc lại cho tơi và đậy lại cho mô nấm, để tránh tơ nấm ăn lan ra ngoài áo, không hình thành được nấm.
Khuôn thông dụng kích thước 30x30x150. Một bịch meo KIM’S nặng 500 gram, rãi được 2 khuôn khi cấy 1 lớp meo, và 1,5 khuôn khi cấy 2 lớp meo. 1 khuôn như vậy nén được 1 cuộn rơm khoảng 12 kí.
Cách 2: Đóng mô gói kín vào bịch nilong
Cho lớp rơm đã ủ vào khuôn có lót bịch nilong, nén dẽ dặt dày khoảng 5cm. Rãi meo quanh mép khuôn cách thành 2-3cm. Tiếp tục nén lớp rơm dày 10 cm và rãi meo tương tự, sau đó nén tiếp lớp rơm dày khoảng 5cm lên trên mặt mô, đè dẽ dặt rồi buộc kín bịch mô lại. Tùy theo mùa, thay đổi kích thước mô cho thích hợp. Mùa nắng đóng mô nhỏ, nén vừa phải, rãi meo gần mép khuôn. Mùa mưa, mùa lạnh đóng mô lớn, nén chặt, rãi meo lùi vào trong cách thành 3 -5 cm.
Giai đoạn ủ tơ: ủ tơ nơi thoáng mát, không cần tưới nước, duy trì nhiệt nhà ủ 33 – 37 độ. Thời gian ủ 5 – 7 ngày tùy meo giống.
Khuôn đóng mô nhỏ kích thước 20x20x30 cm. Một bịch meo KIM’S 500gr , rãi được 6-8 bịch mô. Tương đương 9 -10 kí rơm khô
Cách 3: Trãi giàn hoặc đóng mô trên giàn
Xử lý nhà trồng, giàn kệ cho sạch sẽ. Đưa rơm vào trãi đều lên giàn nén dẽ dặt dày khoảng 15 – 20 cm. Rãi meo đều lên bề mặt, sau đó có thể phủ thêm lớp rơm mỏng hoặc phủ màng phủ nông nghiệp. Hoặc có thể nén thành từng mô trực tiếp lên giàn và rãi meo 2 lớp, kích thước mô tùy theo giàn kệ. Sau đó che kín giàn kệ để giữ ẩm. Duy trì nhiệt nhà ủ 33 – 37 độ.
Ngoài ra, còn có các phương pháp xếp mô theo luống, đóng khuôn hình trụ… Các bạn tham khảo thêm nhé.
Phần 3: HƯỚNG DẪ XẢ TƠ VÀ CHĂM SÓC
Chăm sóc nấm rơm trồng trong nhà kín:
Trong 5-7 ngày ủ tơ, thường xuyên kiểm tra nhiệt mô (35-38 độ) và sự phát triển của tơ nấm. Khi tơ đã phát triển đều khắp mặt mô tiến hành tháo lớp phủ và tưới xả tơ nấm. Tưới đẫm bằng vòi xịt hạt mịn đều, nước đọng thành hạt trên sợi tơ là được. Giai đoạn này phòng nuôi thường rất nóng và ít thông thoáng, nên cần theo dõi thường xuyên tùy vào ẩm nhiệt nhà trồng mà điều chỉnh cho phù hợp (ẩm 75- 90, nhiệt kích ghim 33 – 35, nhiệt nuôi quả thể 30 -32), thường là tưới duy trì 2 – 3 lần/ ngày (0,1lit/mô/lần), chú ý phải tưới nước cẩn thận, nếu tưới mạnh sẽ làm tổn thương sợi nấm ảnh hưởng tới năng suất, hoặc có thể tưới lên trần, vách, nền nhà trồng, không tưới trực tiếp lên mô. Mỗi ngày nên mở cửa hoặc thổi khí vào phòng nuôi khoảng 15 -30 phút vào lúc 8,9h sáng. Nếu nhà trồng thiếu ánh sáng thì nên thắp đèn để kích ghim và thắp ban đêm đến khi xuất hiện ghim thi tắt. Đến ngày thứ 4-5 sau xả tơ thì bắt đầu xuất hiện đinh ghim, lúc này nên tưới nước dạng phun sương 1-2 lần/ngày lúc 8-9h sáng hoặc 3-4h chiều tránh gây sốc nhiệt cho nấm, nấm lớn sau 3 – 4 ngày.
Chăm sóc nấm rơm ngoài trời:
Hàng ngày, kiểm tra nhiệt và ẩm mô, mô khô thì tưới nước lên lớp rơm áo phủ ở bên ngoài. Ngày thứ 8-12 nấm bắt đầu ra dạng đinh ghim, cần tưới cẩn thận tránh làm chết nấm con, lượng nước tùy theo mô nấm khô hay không mà điều chỉnh cho phù hợp. Nếu bị ướt mưa cần dở áo rơm phơi mô khoảng nửa tiếng vào buổi sáng 7-8h. Trời mưa lớn và mưa lâu thì cần dùng bạc nilong đậy các mô lại.
Thu hái nấm rơm
Hái nấm rơm khi quả thể còn ở giai đoạn hình trứng.
Ngày hái từ 1-3 lần. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ không khí cao nấm phát triển rất nhanh
Kể từ khi cấy giống đến khi thu hái hết đợt 1 khoảng 15-17 ngày, hái trong 3-4 ngày, nấm ra rộ vào ngày thứ 2 và 3. Khi thu hái hết đợt 1 cần nhặt sạch tất cả các “gốc nấm” và tai nấm nhỏ còn sót lại, ngừng tưới 3-4 ngày, sau đó tưới nhẹ để thu nấm đợt 2.
Năng suất nấm trên rơm dao động từ 10 – 12 % nấm tươi so với nguyên liệu khô. Năng suất nấm cao hay thấp còn phụ thuộc vào giống, kỹ thuật, cách chăm sóc và yếu tố khí hậu.
Phần 4: BỆNH THƯỜNG GẶP KHI TRỒNG NẤM RƠM
Bệnh chết sợi giống, sợi nấm mọc yếu, lão hóa , sợi bị co lại: do cơ chất không thích hợp, nguồn rơm đã bị nhiễm các độc tố; độ ẩm mô nấm quá khô hoặc quá ướt; nhiệt độ trong mô nấm không thích hợp do nóng quá hoặc lạnh quá; giống yếu, già hoặc chết do vận chuyển, bảo quản không cẩn thận; pH nguyên liệu không đạt yêu cầu hoặc bị nhiễm khuẩn.
Bệnh nhiễm vi sinh vật, nấm mốc:
Mốc trắng: Do độ ẩm trong giá thể quá cao hoặc tủ lớp áo mô quá dày hơi nước từ mô nấm không thoát được. Nên ngừng tưới, bỏ lớp áo mô, mở cửa để thông thoáng.
Mốc đen, mốc xanh, mốc liên bào: không khí của khu vực và phòng nuôi trồng bị ô nhiễm; nguyên liệu rơm hoặc giống đã bị nhiễm bào tử mốc. Cần khử trùng khu vực nuôi trồng thật kỹ; kiểm tra nguyên liệu và giống rơm.
Mốc trứng cá: Nguyên liệu dùng trồng nấm rơm bị ẩm mục hoặc rơm bị dính nước mưa trước khi đưa vào trồng nấm rơm. Vì vậy khi ủ rơm rạ cần đảm bảo nhiệt độ đống ủ phải đạt trên 70 – 750C; không sử dụng nguyên liệu bị thấm nước mưa dài ngày, khi đã nhiễm bệnh, dùng tay vuốt hết mốc trứng trên bề mặt mô nấm, phơi khô mặt mô nấm 1 nắng sau đó dùng nước vôi trong 0,5– 1% tưới lên vết bệnh.
Nấm mực, nấm gió: Nguyên liệu rơm xử lý chưa đạt nhiệt độ hoặc độ ẩm quá cao, cơ chất có quá nhiều nitơ. Cần xử lý nguyên liệu đạt nhiệt độ và độ ẩm. Nếu thấy có nấm mực mọc ở bề mặt mô nấm dùng tay nhổ bỏ trước khi nấm nở ô, dừng tưới nước cho đến khi độ ẩm mô nấm đảm bảo yêu cầu.
Mô nấm hiễm vi khuẩn, vi rút: làm cho giá thể bị chua, ướt, sinh độc tố làm cho sợi nấm không hấp thụ được chất dinh dưỡng; làm thoái hóa sợi nấm. Cần kiểm tra nhiệt độ trong đống ủ trong quá trình xử lý, nếu chưa đạt nhiệt độ thì gia nhiệt và kéo dài thời gian ủ đống; làm vệ sinh sạch sẽ khu vực trồng nấm.
Bệnh do động vật hại: Chuột, sên, ốc, mối, kiến, nhện, ấu trùng rệp, ruồi, mạc,…Chúng thường ăn hạt giống nấm rơm, cắn phá sợi nấm hoặc quả thể. Cần dọn sạch, khử trùng, rải vôi hoặc hóa chất, thông thoáng nhà trại kỹ trước và sau khi nuôi trồng. Nếu bị lúc nuôi trồng thì cần che chắn nhà kín dùng hương xua ruồi, muỗi, làm bẫy…Nếu trồng ngoài trời xử lý đất thật kỹ hoặc trồng trên đất mới sẽ hạn chế bệnh hơn.
Bệnh quả thể nấm rơm
Nhiệt độ: giai đoạn ra đinh ghim nếu gặp lạnh hay nóng đột ngột đều bị chết ghim, giai đoạn quả thể hình trứng thì ngừng sinh trưởng hoặc chết. Cần theo dõi từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của nấm rơm để có biện pháp điều chỉnh nhiệt độ thích hợp.
Nồng độ CO2 :quá cao (> 0,06%) quả thể nấm không lớn, nhanh nứt bao, cuống nấm kéo dài. Do khi quả thể hình thành, nấm cần oxy cao gấp nhiều lần giai đoạn nuôi sợi và quá trình hô hấp của sợi nấm sinh ra nhiều CO2. Cần tăng độ thông thoáng, dùng lưới che chắn hoặc quạt để thông khí hằng ngày.
Độ ẩm (< 60%: quả thể nấm không hình thành hoặc chết non, quả thể hình thành bị teo đầu. >95%: trong giai đoạn hình thành đinh ghim: quả thể sẽ biến mất; tai nấm đang phát triển mềm nhũn và thường bị nhiễm trùng làm nhầy nhớt. Nếu thời tiết khô hanh cần tăng cường chế độ tưới nước để tăng cường độ ẩm cho mô nấm. Nếu thời tiết ẩm ướt độ ẩm không khí tăng cao cần giảm lượng nước tưới, tạo độ thoáng cho mô nấm.
CƠ SỞ MEO PHÔI NẤM TOÀN QUỐC
Hotline: 0987 764 978