QUY TRÌNH CHĂM SÓC NẤM BÀO NGƯ XÁM
CHUẨN BỊ NHÀ TRẠI
VỆ SINH NHÀ TRẠI
Trại trồng nấm cần vệ sinh sạch sẽ, rắc vôi, phun COC85 xung quanh trong và ngoài nhà trại để khử trùng trước một tuần.
Nhà trồng phải thông thoáng, tránh nắng rọi trực tiếp, mưa dột hoặc gió lùa quá mạnh
Trại trồng phải tránh xa các khu vực ô nhiễm như: chuồng trại chăn nuôi, nhà máy xí nghiệp bụi bặm, nguồn nước ô nhiễm
CHĂM SÓC PHÔI MỚI MUA VỀ
Sau khi nhận phôi về thì xếp phôi hoặc treo ngay, để tránh phôi bị ngộp và nóng trong quá trình vận chuyển làm chết tơ.
Giai đoạn nuôi tơ không tưới nước, trại phải thoáng mát để bịch phôi nhanh phục hồi tơ.
Sau đó để yên đến khi thấy tơ ăn hết khối nguyên liệu, chuyển sang màu trắng là đạt. (Liên hệ nhà sản xuất để biết ngày cấy phôi, dễ theo dõi hơn).
Thường xuyên kiểm tra nhà trại xem phôi có nhiễm mốc xanh, mốc đen không. Nên loại bỏ những bịch nhiễm để tránh lây sang các bịch khác.
HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC VÀ THU HOẠCH NẤM
CHĂM SÓC NẤM
Khi phôi nấm đã ăn tơ trắng hết bịch, tỷ lệ nấm bối ra khoảng 10 – 15 %, ta bắt đầu tháo hết giấy báo hoặc bông ra, rồi đậy nắp lại khoảng 7 ngày.
Sau 7 ngày ta tiến hành sốc nhiệt: Tưới phun sương đẫm nước lên phôi khoảng 30 phút vào sáng sớm hoặc chiều tối ( có thể lâu hơn thì càng tốt)
Sau 3 – 4 tiếng thì tháo hết các nắp đậy, che chắn nhà trồng, 12 tiếng sau bắt đầu tưới phun sương nhẹ, tránh tưới vào cổ quá nhiều làm đọng nước trong cổ nhanh hỏng phôi. Ngày tưới 2 – 3 lần, trời quá nắng hoặc gió thì tưới nhiều lần hơn.
Lúc này ta kết hợp xả nước nền để tạo độ ẩm trong trại tăng lên đạt khoảng 85-90%.
Sau 2 – 3 ngày sốc nhiệt thì nấm con bắt đầu xuất hiện, chúng lớn rất nhanh. Giai đoạn này nấm cần hơi nước và độ ẩm để phát triển nên ta phun sương 4 lần/ ngày. Mỗi lần phun sương khoảng 5-10 phút, tùy theo nhiệt độ trong tại.
Sau 2 ngày tiếp theo nữa là có thể thu hoạch đồng loạt. Không để nấm quá lớn mới thu hoạch sẽ gây ảnh hưởng năng suất lứa sau.
THU HOẠCH NẤM
Cách thu hoạch nấm là nắm chân nấm vừa vặn và rút ra, hái hết cả chùm. Sau khi hái hết một đợt nấm, ta tiến hành làm vệ sinh gốc nấm còn sót lại, để tránh trường hợp bị nhũng thối và gây bệnh cho trại nấm.
VỆ SINH CHÂN NẤM SAU THU HOẠCH
Dùng thìa cạy nhẹ phần chân nấm còn sót lại trong cổ bịch, không cạy sâu vào phôi.
Thông thoáng nhà trồng khoảng 3 – 4 tiếng cho khô vết cạy rồi dùng nắp đã vệ sinh sạch đậy lại ( có thể xử lý nắp sau mỗi lứa bằng cách ngâm nước vôi pha loãng rồi đem phơi ráo, hoặc có nồi hấp hơi thì cho vào bao hấp nắp sẽ đảm bảo diệt khuẩn mốc tốt hơn)
Để yên cho tơ hồi phục, không tưới nước khoảng 7 ngày. Sau đó lặp lại các bước từ sốc nhiệt trở về sau như đã hướng dẫn ở trên, cứ như vậy chăm sóc cho các đợt tiếp theo.
Sau mỗi đợt thu hoạch ta làm giống như trên và vệ sinh khu vực nhà trồng cho sạch không để bị nhiễm bệnh.
LƯU Ý
Một bịch phôi có thể cho ra nấm rất nhiều đợt. Trung bình mỗi bịch phôi thu từ 5-7 đợt, càng về sau năng suất càng giảm dần, trung bình 250 – 350 gr nấm/ bịch phôi.
Cần báo ngay cho nhà sản xuất khi có vấn đề bất thường về phôi sau khi nhập về 10 ngày. Hoặc cần tham khảo hướng dẫn thêm về cách ủ tơ và chăm sóc, thu hoạch, …
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG
Cần tư vấn và tham khảo thêm nhiều loại meo nấm và phôi nấm khác như:
Nấm Hoàng Đế ( Milky), Bào Ngư xám, Meo Nấm Rơm, Linh Chi, Bảo Ngọc